Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Lưu ý không thể bỏ qua khi làm trắng răng

Để giúp bạn vừa có được nụ cười xinh vừa khỏe đấy nhé!

Xác định nguyên nhân của các vết bẩn trên răng

Theo các bác sĩ nha khoa, các vết bẩn răng miệng thường được chia làm 2 loại bao gồm loại bên ngoài và loại bên trong. Việc phân chia này có tác dụng giúp bạn lựa chọn được biện pháp làm trắng hiệu quả.

Các vết bẩn bên ngoài có thể gây nên từ trà, soda, cà phê, các thực phẩm gây hao mòn men răng hoặc do hút thuốc lá. Đối với các vết bẩn này, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách làm sạch răng miệng hoặc tự bảo vệ bằng cách hạn chế sử dụng các yếu tố có hại cho răng.

Các vết bẩn bên trong răng thường khó loại bỏ hơn. Nó chính là kết quả của quá trình phơi nhiễm fluoride quá mức, gây lão hóa, chấn thương hoặc do răng bị tiếp xúc với một số khoáng chất gây hại. Đối với loại vết bẩn này, bạn cần nhờ đến sự giúp đỡ của nha sĩ để có thể loại bỏ một cách hiệu quả.

Lưu ý khi tự tẩy trắng răng tại nhà

So với bộ dụng cụ chuyên nghiệp, dụng cụ tự tẩy trắng răng chỉ có tác dụng bằng 1/3. Vì thế, việc tẩy trắng răng có thể mất thời gian hơn và kém hiệu quả hơn. Cách này chỉ nên áp dụng với các vết bẩn “tạm thời” do các yếu tố bên ngoài gây nên.

Tẩy trắng răng do nha sĩ thực hiện thường tốn kém hơn nhưng rất hiệu quả và mất ít thời gian. Nha sĩ có thể sử dụng lượng hydrogen peroxide phù hợp với các vết bẩn, mảng bám trên răng của bạn, vì vậy mà hiệu quả làm trắng răng sẽ tốt hơn rất nhiều. Đồng thời, vùng nướu cũng được bảo vệ an toàn hơn.

Rủi ro có thể gặp khi làm trắng răng

Việc làm trắng hay tẩy trắng răng có thể dẫn đến một số biểu hiện gây khó chịu trong vài ngày, nhất là đối với những người nhạy cảm. Những biểu hiện này có thể tự hết và không gây ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra các rủi ro như làm tổn thương, gây viêm, kích thích các nướu răng, khiến răng trắng không đều. Vì thế, bạn cần chú ý hơn trong việc chăm sóc răng miệng và nhờ đến sự can thiệp kịp thời của nha sĩ để tránh được những hậu quả nghiêm trọng nhé!

Tham khảo ý kiến của nha sĩ

Việc lựa chọn phương pháp làm trắng răng cũng vô cùng quan trọng do một số biện pháp có thể làm tổn thương men và nướu răng. Do đó, để có thể lựa chọn cho mình phương pháp hiệu quả nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ trước khi áp dụng.

Đặc biệt, những người dưới 16 tuổi, người có răng và nướu nhạy cảm thường bị dị ứng với peroxide – hoạt chất chủ yếu trong các sản phẩm làm trắng răng. Vì vậy, các trường hợp này cần cẩn thận hơn khi lựa chọn phương pháp làm đẹp này.

Thận trọng khi lựa chọn nơi tẩy trắng răng

Các cơ sở nha khoa không có uy tín thường kém an toàn, diệt trùng không triệt để, dẫn đến các bệnh truyền nhiễm, làm tổn thương đến phần nướu và men răng. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi lựa chọn cơ sở làm trắng răng.

Bạn nên đến các cơ sở y khoa chuyên nghiệp, có uy tín, được trang bị đầy đủ các vật dụng y tế như găng tay, mũ, khẩu trang… Sau khi tẩy trắng, bạn cũng cần đến kiểm tra 1 – 2 lần mỗi năm để răng được “bảo trì” và giữ trắng lâu dài hơn nhé!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Những nguyên tắc cần biết khi đánh răng

Không phải ai cũng biết đánh răng đúng cách đâu nhé!

Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày

Các mảng bám trên răng (phần lắng cặn màu trắng đục) chính là nơi sinh sôi và phát triển của các vi khuẩn gây hại. Đây cũng là nguyên nhân khiến răng bị ăn mòn, viêm nhiễm dẫn đến các căn bệnh về răng miệng.

Để phòng tránh bệnh răng miệng và bảo vệ răng, chúng ta cần đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày sau bữa ăn. Nó sẽ giúp làm sạch các mảng bám trên răng, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn nữa đó! Tuy nhiên, bạn cũng không nên đánh răng quá nhiều vì như vậy sẽ khiến men răng bị bào mòn nhanh hơn.

Chọn bàn chải đúng cách

Bàn chải đánh răng với những sợi lông quá cứng có thể gây tổn thương và làm hại men răng. Vì thế, các bạn nên lựa chọn những chiếc bàn chải đánh răng có phần lông mềm.

Bên cạnh đó, bàn chải cũ, bị mòn sẽ không thể loại bỏ các mảng bám trên răng một cách hiệu quả. Vì thế, chúng mình cũng cần chú ý thay bàn chải mới sau 3 tháng sử dụng để “công cuộc” chải răng đạt hiệu quả cao nhé!

Chải răng đúng kỹ thuật

Để có thể chải răng đúng kỹ thuật, các bạn hãy để bàn chải nghiêng một góc 45 độ trên hàm răng, sau đó chải lần lượt từ cao xuống thấp, từ lợi đến răng trong khoảng 3 phút. Đây là khoảng thời gian hợp lý để chúng mình có thể làm sạch toàn bộ hàm răng và lợi.

Trong quá trình chải răng, các bạn cần lưu ý không chải răng theo chiều ngang vì dễ khiến răng bị mòn và không sạch. Chúng mình nên chải theo chiều lên xuống theo hướng răng mọc, hoặc chải vòng tròn để làm sạch răng.

Ngoài ra, các bạn tuyệt đối không chải răng quá mạnh. Điều này không những không làm sạch được răng mà còn làm cho bàn chải nhanh hỏng và dễ gây tổn thương nướu. Các mảng bám trên răng rất mềm, vì thế chúng mình chỉ cần chải nhẹ nhàng, lần lượt là có thể làm sạch răng rồi đó!

Kết hợp chải răng với sử dụng chỉ nha khoa

Việc sử dụng chỉ nha khoa sẽ hỗ trợ cho quá trình làm sạch răng đạt hiệu quả cao hơn. Nó sẽ giúp làm sạch các phần thức ăn thừa và mảng bám ở hai mặt bên của răng (kẽ răng), nơi mà bàn chải không thể làm được. Vì thế, các bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng trước khi chải răng nhé!

Tips cho việc bảo vệ răng miệng đạt hiệu quả cao

- Nên lựa chọn các thực phẩm có lợi cho răng như bánh mì, thịt, trứng, sữa, các loại rau quả như táo, cà rốt, rau xanh…

- Tránh sử dụng thuốc lá, các thực phẩm gây hại và làm đổi màu men răng như café, rượu đỏ, thực phẩm có chứa nhiều đường, acid… Khi sử dụng các loại thức ăn như trên, các bạn nên súc miệng hoặc đánh răng sau khi ăn để làm sạch các mảng bám trên răng.

- Mỗi năm, bạn nên đến bác sĩ nha khoa để khám ít nhất một lần. Nó sẽ giúp bạn biết được tình trạng răng miệng và có hướng chăm sóc hiệu quả hơn đó!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Xỉa răng bất cẩn dẫn đến hậu quả khôn lường

Chào bác sĩ,

Vài ngày trước, do không cẩn thận khi xỉa răng nên em đã chọc tăm vào lợi gây chảy máu. Vết thương này không sâu và ngay sau đó em đã súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn. Tuy nhiên không hiểu sao mà phần lợi bị tổn thương cứ sưng to lên, kéo theo vùng xung quanh cũng tấy đỏ rất đau. Ngoài ra, em hay có cảm giác nhạt miệng, răng lung lay và hơi thở thì có mùi hôi khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách giải quyết ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (munmu...@yahoo.com).


Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc bệnh viêm nướu răng.

Nướu răng là những lớp mô liên kết và niêm mạc bao phủ xương hàm, cổ răng. Khi bao xung quanh cổ răng, nướu răng giúp hình thành túi răng. Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu sắc hồng thắm, che phủ vừa đủ khe hở giữa hai kẽ răng, túi răng cũng có độ sâu vừa phải (2 - 3mm).

Trong tất cả những bệnh răng miệng thường gặp, viêm nướu răng được xem là nguy hiểm nhất. Đây là tình trạng sưng tấy, đau hoặc viêm nhiễm nướu răng. Có 2 hình thức chính của bệnh viêm nướu là viêm nướu và bệnh nha chu.
Nguyên nhân gây bệnh nướu răng chính là mảng bám răng (plaque), vi trùng và phản ứng gây viêm của cơ thể.

Hằng ngày nước bọt cuốn trôi đi khoảng 100 tỉ tế bào của hơn 300 loại vi trùng có sẵn trong khoang miệng. Thế nhưng, nếu trong miệng xuất hiện mảng bám, những quần thể vi trùng bắt đầu hình thành. Chúng có thể thâm nhập vào dòng máu của cơ thể thông qua những mạch máu bị tổn thương, làm lượng độc tố trong máu tăng lên một cách đáng kể. Hậu quả là những người bị bệnh nướu răng thường có nguy cơ nhiễm các bệnh khác cao hơn người bình thường từ 3-7 lần.

Nếu bệnh viêm nướu không được điều trị nghiêm túc thì nó có thể trở thành bệnh nha chu. Bệnh sẽ tiến triển một cách âm thầm hoặc thành từng đợt bùng phát. Hậu quả là làm cho nướu bị áp-xe và có mủ chung quanh chân răng. Qua nhiều năm, xương nâng đỡ răng có thể bị mất.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán cũng như chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời đối với tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cần chú ý đến việc làm sạch răng thường xuyên bằng cách lấy mảng bám trong kẽ với chỉ nha khoa và chải rửa bề mặt răng một cách có hiệu quả với loại kem đánh răng thích hợp.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

"Đau khổ" khó nói khi miệng bị vẩu hàm dưới

Chào bác sỹ!

Năm nay em 14 tuổi và là nữ. Trước đây em có đọc được một bài viết về bệnh vẩu nhưng lại chỉ đề cập đến vẩu hàm trên. Tình trạng của em ngược lại hoàn toàn, tức là hàm dưới bị nhô ra nhiều sao với hàm trên, làm lưỡi không chạm khít vào răng nên rất hay phát âm sai (cảm tưởng như nói ngọng). Tình trạng này còn khiến khuôn mặt em mất cân đối vô cùng. Mong bác sĩ tư vấn cho em phương pháp chữa khỏi chứng bệnh quái ác này với ạ! Em xin cảm ơn! (mini...@yahoo.com).


Chào em,

Vẩu xương hàm dưới là bệnh lý hay gặp trong nhóm bệnh lệch lạc răng - hàm. Nó là một rối loạn về cấu trúc, được đặc trưng với xương hàm dưới đưa ra trước, cung răng dưới bị di về phía gần so với hàm trên ở tư thế chạm múi tối đa.

Vẩu xương hàm dưới cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp khác như: thiếu phối hợp ở xương hàm dưới (hàm dưới đưa ra trước), lùi xương hàm trên, lùi xương ổ răng trên, hàm trên thiếu chiều dài (thường gặp trong trường hợp khe hở môi vòm miệng), vẩu xương ổ răng dưới, cằm lùi.
Để chẩn đoán vẩu xương hàm dưới cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và phim X-quang sọ mặt chụp theo kỹ thuật từ xa. Thường có các triệu chứng sau:

- Tầng mặt dưới tăng kích thước theo mặt phẳng dọc giữa, môi dưới và cằm lồi nên có ấn tượng xương hàm trên bị xóa, nhất là khi nhìn nghiêng.

- Cung răng trên thường hẹp hơn cung răng dưới. Khớp cắn bị rối loạn, răng cửa ở tư thế đầu chạm đầu hoặc ngược. Răng nanh dưới ăn khớp với răng cửa bên hàm trên.

- Môi trên thường bị lùi sau so với môi dưới làm khối tiền hàm kém phát triển. Môi dưới hoạt động quá mức làm răng cửa dưới bị nghiêng vào trong.

- Cơ thái dương và cơ cắn hoạt động quá mức ảnh hưởng đến chỗ bám hoặc góc hàm. Có thể gặp thở miệng phối hợp với rối loạn tăng trưởng xương hàm dưới.

Nguyên nhân cơ bản của chứng vẩu xương hàm dưới:

- Di truyền: là nguồn gốc của vẩu xương hàm dưới di truyền theo kiểu trội. Tăng các hormon có thể làm xương hàm dưới phát triển quá mức ở trẻ em (bệnh khổng lồ) và người lớn (bệnh to cực).

- Yếu tố nguy cơ môi trường: người có sọ ngắn tạo thuận lợi cho hàm dưới đưa ra trước. Hàm trên ngắn làm lưỡi bị đẩy xuống thấp gây vẩu xương hàm dưới. Thiếu răng cửa vĩnh viễn trên hoặc nhổ sớm răng sữa trên làm khối tiền hàm xương hàm trên kém phát triển, tạo thuận lợi cho xương hàm dưới trượt ra trước.

- Hình thái miệng hầu: môi, lưỡi, vùng vòm hầu và amidan có thể làm thay đổi quan hệ hàm trên và dưới hoặc kìm hãm sự phát triển xương hàm trên hoặc đẩy hàm dưới vượt ra trước.

Điều trị có thể bằng cách chỉnh hàm (chỉnh xương), chỉnh răng hoặc phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là sửa chữa sự lệch lạc giữa cung răng trên và cung răng dưới ở tư thế khớp cắn chạm múi tối đa, lập lại sự hài hòa giữa 2 xương hàm. Cụ thể:

- Chỉnh xương: Mục đích là kết hợp hoạt động các cơ nhai, chú ý đến các hoạt động kéo lùi; sửa chữa thăng bằng lưỡi-môi-má để tăng lực làm rộng xương hàm trên ở phía vòm miệng, kìm hãm sự tăng trưởng của xương hàm dưới, thành lập một nút chặn khớp ngăn sự trượt ra trước của xương hàm dưới. Các khí cụ chỉnh xương này có rất nhiều loại như: hàm chức năng, khí cụ chỉnh xương cơ học.

- Chỉnh răng: được chỉ định cho các hàm răng vĩnh viễn hoặc cuối giai đoạn răng hỗn hợp, kết hợp chặt chẽ với chỉnh xương cơ học hoặc phẫu thuật.

- Phẫu thuật: Thường chỉ định trong các trường hợp vẩu xương hàm dưới nguyên thể do di truyền. Khi phẫu thuật có thể ở một hoặc nhiều vị trí sau: cành lên xương hàm dưới, góc hàm, thân xương hàm dưới. Ngoài ra có thể phẫu thuật bổ sung đưa xương hàm trên ra trước, phẫu thuật lưỡi.

Cuối cùng, tùy theo phương pháp điều trị, phải duy trì kết quả cho đến khi kết thúc sự tăng trưởng xương hàm dưới. Tất cả các yếu tố răng, cơ, xương đều tham gia vào quá trì ổn định lập lại sự hài hòa của hàm dưới với mặt.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Răng ố vàng xấu xí vì nguyên nhân "không ngờ"

Chào bác sỹ!

Năm nay em 18 tuổi và là nữ. Hiện tại em đang gặp phải một vấn đề vô cùng khó chịu khiến việc giao tiếp bị hạn chế rất nhiều. Đó là răng em rất vàng và cảm tưởng có nhiều mảng bám dày đặc trên bề mặt. Mặc dù em vẫn đánh răng đều đặn 2 lần/ngày nhưng tình hình vẫn không có gì biến chuyển. Nhiều người khuyên em đi lấy cao răng là sẽ khỏi nhưng em sợ sẽ làm mòn và hỏng răng. Mong bác sĩ tư vấn giúp em phương pháp để lấy lại hàm răng trắng sáng như trước với ạ! Em xin cảm ơn! (vicky...@yahoo.com.vn)


Chào em,

Khi ăn xong nếu không chải răng ngay, thì khoảng 15 phút sau sẽ có một lớp màng mỏng xuất hiện trên bề mặt răng gọi là màng bám. Nếu không được làm sạch, vi khuẩn sẽ bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên thành mảng bám. Lúc này, mảnh vụn thức ăn hay chất khoáng trong miệng tiếp tục dính vào mảng bám hình thành nên những mảng cứng xung quanh cổ răng. Đó chính là cao răng.

Làm sạch cao răng (lấy cao răng) không chỉ bởi mục đích thẩm mỹ mà còn vì sức khỏe, bởi cao răng chính là thủ phạm gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe răng miệng.

Thành phần của cao răng gồm carbonat canxi và phosphate phối hợp với cặn mềm, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô. Ngoài ra, còn có sự lắng đọng sắt của huyết thanh trong máu, nước bọt. Cao răng có thể gây ra một số bệnh về răng miệng như:

- Viêm nướu, kéo theo hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho răng tụt nướu, thân răng ngày càng dài. Vì vậy, người có cao răng có cảm giác ê buốt khó chịu khi ăn uống. Chân răng bị lộ vì không có nướu che chở và răng bị lung lay, quá trình tiêu xương cũng diễn ra nhanh hơn.

- Các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Do những ảnh hưởng nêu trên, cao răng cần phải được cạo sạch và tốt nhất nên cạo định kỳ 4 - 6 tháng/lần. Có thể cạo cao răng bằng dụng cụ cầm tay hay bằng máy siêu âm. Cạo cao răng bằng máy siêu âm sẽ ít đau, ít chảy máu và sạch hơn. Sau khi cạo cao răng, có thể có cảm giác ê, đau, nhiều hay ít tùy mức chịu đau của mỗi người. Cảm giác ê buốt khi ăn uống nhất là uống nước nóng quá hay lạnh quá có thể kéo dài sau vài ngày rồi hết.

Khởi phát của cao răng là màng bám sau khi ăn không được chải rửa sạch. Vì vậy, để ngăn ngừa cao răng, phải kiểm soát được màng bám và giữ răng luôn sạch sẽ bằng cách:

- Luôn chải răng sạch sau khi ăn.

- Sử dụng chỉ tơ nha khoa lấy hết các mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng.

- Ngậm nước súc miệng có bán sẵn hoặc nước muối pha loãng.

- Kiểm tra răng miệng định kỳ 3 tháng/lần để giải quyết những vấn đề vệ sinh mà bản thân cá nhân không thể tự làm sạch được như: làm sạch ở mặt xa các răng hàm, ở những vùng răng giả. Không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi cao răng hình thành thì nó đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả.      

Chúc em sớm có 1 hàm răng sáng đẹp và luôn khỏe mạnh!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Sợ hãi khi hàm răng xỉn màu "xấu xí như ma"

Chào bác sỹ!

Răng em vốn bị xỉn màu từ ngày còn bé. Em có hỏi mẹ thì mẹ bảo do hồi đó em ăn socola quá nhiều nên bị vậy. Tuy nhiên, dạo gần đây mặc dù không ăn bất cứ loại thức ăn có màu nâu nào nhưng em cảm thấy dường như những vệt xỉn trên răng của em ngày càng đậm màu hơn. Tình trạng này làm em vô cùng mất tự tin khi giao tiếp. Mong bác sĩ tư vấn cho em biện pháp để có được hàm răng trắng sáng bình thường như mọi người với ạ! Em xin cảm ơn! (mvz...@yahoo.com)

Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đang phải đối mặt với tình trạng răng nhiễm màu.

Màu của răng tự nhiên phụ thuộc vào thành phần, cấu trúc và chiều dày của các mô tạo nên nó. Tất cả các nguyên nhân cơ học, hóa học hay sinh học làm tổn thương một trong những thành phần này đều có khả năng làm đổi màu răng.

1. Nhiễm màu trong thời kỳ hình thành và phát triển răng, bao gồm:

- Nhiễm màu bilirubin có thể gặp trong các trường hợp: bệnh bilirubin máu cao bẩm sinh, tan máu do yếu tố Rh...

- Nhiễm màu porphyrin: là bệnh di truyền nhiễm sắc thể do rối loạn chuyển hóa porphyrin bẩm sinh. Răng có màu nâu đỏ, phát huỳnh quang đỏ dưới ánh sáng cực tím do sự xâm nhập các sắc tố đỏ porphyrin lưu truyền trong máu vào men và ngà răng.

- Nhiễm tetracyclin: Nếu uống tetracyclin trong thời kỳ đang hình thành xương và răng, tetracyclin sẽ tạo các phức hợp với canxi thành các tinh thể màu tetracyclin lắng đọng trong các tổ chức cứng như xương, răng không thể loại ra được. Nếu dùng thuốc trong một thời gian dài, toàn bộ thân răng sẽ bị đổi màu. Màu của răng có thể vàng, nâu, xám sậm hoặc xanh lơ, đỏ tía tùy theo liều lượng thuốc.

2. Nhiễm màu sau khi mọc răng, nguyên nhân thường do:

- Chấn thương gây chảy máu tủy làm sắc tố ngấm vào ngà: nếu chảy máu tại chỗ, máu thấm vào trong ống ngà rồi chuyển hóa thành hémoglobine, giải phóng ra các Fe++. Khi ôxy hóa các ion này có thể tạo các sắt oxid. Trong một số trường hợp, sắt oxid kết hợp với sulfur tạo thành sulfur sắt có màu xám sẫm.
Hơn nữa khi có chấn thương, làm đứt các mạch máu, tủy có phản ứng tạo ngà thứ phát làm tắc buồng tủy khiến răng có màu bão hòa hơn, đục hơn, xám da cam, thậm chí nâu sẫm. Răng không đáp ứng với các thử nghiệm tủy, nhưng trên Xquang không có hình ảnh tổn thương vùng quanh cuống thì phải coi như tủy còn sống. Nếu chảy máu nhiều, làm đứt các bó mạch thì ngay lập tức có thể thấy màu đỏ dưới bề mặt men.
- Các nguyên nhân khác như: Fluor, mòn răng, điều trị tủy, thức ăn, nước mắm, nước uống có màu (chè, cà phê...), các loại vi khuẩn sinh màu (Bacillus pyocneus, Aspergillus, Actinomycetes...), vật liệu trám...

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị nhiễm màu răng, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể và tình trạng của răng, mức độ nhiễm màu để lựa chọn biện pháp thích hợp. Cụ thể:

- Vệ sinh răng miệng, thay đổi môi trường.

- Tẩy trắng răng bằng các chất hóa học theo nguyên lý: giải phóng ra một chất có tác dụng ôxy hóa, phản ứng ôxy hóa khử xảy ra làm tan các chất màu.

- Phục hình: được chỉ định trong những trường hợp nhiễm màu nặng như nhiễm tetracyclin độ IV, nhiễm fluor mức độ nặng... không thể điều trị bằng các biện pháp bảo tồn. Răng được phục hồi lại màu sắc có thể bằng các mặt dán sứ hoặc chụp sứ kim loại, chụp sứ toàn phần...

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện chuyên khoa để được khám trực tiếp, từ đó có chỉ định điều trị thích hợp.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Nguy cơ ung thư chỉ vì... đánh răng quá nhiều

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra đấy ấy ạ!

Cuộc sống ngày càng năng động hơn, các bạn trẻ cần phải giao tiếp nhiều hơn nên vấn đề răng miệng rất được coi trọng. Chính vì lý do này mọi người ai cũng cho rằng đánh răng thật kỹ sau khi kết thúc bữa ăn để răng được sạch sẽ, lại không sợ bị sâu răng hoành hành. Tuy nhiên, điều này lại không hề có lợi như bạn tưởng đâu nhé!

Nguy hiểm chỉ vì... đánh răng

Các ấy biết không, việc đánh răng kỹ, lâu và nhiều lần trong ngày là nguyên nhân gây tổn thương chân răng nặng nề. Nó có thể tạo ra các vết thương hở khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây viêm loét khoang miệng và nguy hiểm nhất là viêm chân răng.

Thêm vào đó, một số thành phần xuất hiện trong kem đánh răng cũng rất đáng lo ngại. Nếu các ấy sử dụng các loại kem không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái thì rất có thể chúng mình phải đối mặt với một loại hóa chất có tên lauryl sulfate. Theo các chuyên gia y tế thế giới, khi chúng mình phải tiếp xúc trực tiếp với chất này lâu dài, cơ thể sẽ xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa, nhiễm độc gan. Đối với răng miệng thì lauryl sulfate còn có khả năng làm mài mòn men răng và gây tổn thương nướu.

Ngoài ra, trong rất nhiều các sản phẩm kem đánh răng có công dụng làm trắng, người ta còn tìm thấy tricosan (một loại hóa chất diệt khuẩn và tẩy trắng). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chất này rất rất nguy hiểm khi đưa vào cơ thể. Chúng có khả năng gây ra ung thư, đe dọa tới sức khỏe của bạn nghiêm trọng.
             

Đánh răng đúng cách - tớ phải làm sao???           

Theo các chuyên gia răng miệng thuộc Viện nha khoa Anh thì các ấy nên:

- Chọn bàn chải có kích thước phù hợp với bạn và đổi khi lông bàn chải bị xòe ra.

- Không đánh mạnh và không để bàn chải cọ sát vào nướu quá nhiều.

- Sử dụng các chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

- Tốt nhất chỉ nên đánh răng 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần đánh trong khoảng 2'.

- Sau các bữa ăn để giữ gìn vệ sinh ta có thể dùng nước muối, dung dịch xúc miệng để diệt khuẩn.

- Khi lựa chọn kem đánh răng nên đọc kỹ thành phần để tránh những loại có chứa hóa chất như tricosan và lauryl sulfate.

Nguồn nhakhoaphuong.com

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Răng lợi chẳng còn vì dùng bàn chải sai cách

Chào bác sỹ!

Dạo gần đây không hiểu vì nguyên nhân gì mà phần lợi ở vùng răng cửa hàm dưới của em bị mòn đi và tụt xuống, làm lộ gần như hết cả chân răng. Trước nay răng em vốn khỏe, em có thể dùng răng cắn đá lạnh thoải mái. Nhưng từ ngày xuất hiện tình trạng trên, răng em rất hay ê buốt khi ăn dù là thức ăn nóng hay lạnh, đôi khi ngồi ở chỗ có gió to chỉ cần há mồm ra nói chuyện thì cũng thấy hơi buốt rồi. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đã mắc phải bệnh gì và chữa trị có khó không ạ? Em xin cảm ơn! (bupb3e...@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị tụt lợi.

Đây là hiện tượng lộ bề mặt chân răng do lợi di chuyển về phía cuống răng. Hậu quả của bệnh là làm mất xi-măng chân răng, lộ ngà răng, tăng nhạy cảm răng, hở kẽ răng, dễ dắt thức ăn và giảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, tụt lợi không bao giờ gây lung lay răng hay mất răng nếu không kèm theo quá trình viêm của vùng quanh răng.
Tụt lợi có thể do viêm (viêm lợi, viêm quanh răng) và không do viêm. Nếu viêm thường kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi và sẽ dẫn đến tụt lợi ở toàn bộ hai hàm nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, sang chấn khớp cắn cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tụt lợi do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài cung hàm cũng dễ bị tụt lợi. Đặc biệt sự co kéo quá mức của các phanh môi, má thường gây tụt lợi của răng bên dưới.

Một nguyên nhân gây tụt lợi và mòn cổ răng rất phổ biến nữa là chải răng bằng bàn chải quá cứng và không đúng cách. Tình trạng tụt lợi do các nguyên nhân không do viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc một vài răng và thường gặp ở vùng răng nanh, răng cửa, ít khi gặp ở răng hàm.

Đối với những trường hợp tụt lợi mới và nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi cách chải răng đúng với bàn chải lông mềm, các loại kem có chất chống ê buốt hoặc ngậm gel fluor dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên khi tụt lợi nặng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dù có hay không kèm theo ê buốt răng thì biện pháp triệt để nhất vẫn là phẫu thuật ghép nhằm phục hồi lại phần lợi che phủ chân răng. Nguyên tắc của các phẫu thuật này là sử dụng các vạt niêm mạc ở vùng răng kế cận để che phủ vùng chân răng bị tụt lợi.

Việc lựa chọn phương pháp ghép và vật liệu ghép tùy thuộc vào mức độ tụt lợi (nặng hay nhẹ), số răng bị tụt lợi (một răng hay nhiều răng liên tiếp), vùng răng bị tụt lợi (răng cửa hay răng hàm) và cấu trúc giải phẫu của vùng kế cận (tổ chức bám dính dày hay mỏng). Phẫu thuật che phủ chân răng nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa lớn bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Lên menu giúp bạn đánh bại bệnh hôi miệng

Chọn đồ ăn cũng là “nghệ thuật” đó các ấy ạ!

Hơi thở có mùi là nguyên nhân khiến chúng ta mất đi sự tự tin trong giao tiếp. Nguyên nhân gây ra hôi miệng không chỉ là do vệ sinh răng miệng kém, bệnh nha chu, đau dạ dày… mà còn do những thực phẩm chúng ta vẫn ăn hằng ngày. Cùng chúng tớ khám phá các loại thực phẩm nên và không nên ăn để phòng chống hôi miệng nhé!

Tránh tránh xa những món ăn này nào!

Các loại củ có mùi nồng

Các ấy biết không, những rau, củ như tỏi và hành thường có mùi rất nồng lại có chứa chất lưu huỳnh nên nó sẽ khiến chúng ta bị hôi miệng. Thế nên, các ấy nên tránh ăn chúng khi không có điều kiện xúc miệng, đánh răng ngay sau đó nghen!

Các chất kích thích

Lý do vì rượu, bia, thuốc lá, cafe… có thể làm chúng mình bị khô miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Điều này góp phần không nhỏ trong công cuộc tạo ra “rau mùi” cho miệng của các bạn đấy!

Thức ăn giàu protein

Các món ăn quen thuộc với chúng mình như thịt bò, cá... thường có chứa một loại vi khuẩn đặc biệt. Thông thường, chúng là những “anh hung” giúp chúng mình cân bằng đường ruột, tránh đau bụng. Tuy nhiên, nếu các ấy quên không đánh răng trước khi đi ngủ thì những mẩu thịt, cá bám trong kẽ răng sẽ bị loại vi khuẩn này phân hủy. Kết quả là hôm sau, miệng chúng mình sẽ “tha hồ” mà bốc mùi đó các ấy ạ!

Măng tây

Mặc dù hầu hết các loại măng đều không tốt cho sức khỏe răng miệng nhưng các nha sĩ đặc biệt nhấn mạnh rằng, để hạn chế hơi thở rau mùi, các ấy nên tránh xa măng tây nhé! Lý do vì nó có chứa chất mecaptan methyl và asparagine. Hai loại chất này kết hợp lại sẽ trở thành kẻ thù số một của răng miệng, khiến chân răng yếu dần và tạo mùi cho khoang miệng.

Còn hãy kết thân với những thực phẩm đáng yêu này nhá!

Một số loại cỏ cây và thảo mộc

Các thảo mộc như lá bạc hà, hương thảo, khuynh diệp… có khả năng chiến đấu với mùi khó chịu trong hơi thở rất tốt. Ấy có thể nhai hoặc pha nước uống trà để thu được kết quả tốt nhất ha!

Bổ sung hoa quả và rau xanh

Cần tây, cà rốt, táo, cam, quýt… đặc biệt là những loại có chứa nhiều vitamin C và chất xơ đều có khả năng ngăn ngừa các bệnh viêm nướu, lợi. Ngoài ra, chúng còn có công dụng diệt vi khuẩn gây mùi cho chúng mình cực tốt nữa cơ.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin D

Các ấy biết không, sữa chua, pho mát cùng các món ăn có chứa nhiều vitamin D có tác dụng diệt vi khuẩn hữu hiệu. Đó chính là “bạn đồng hành” giúp chúng ta giảm đi nỗi lo về chứng hôi miệng đáng ghét đó!

Kẹo cao su không đường

Tuy không thể bằng đánh răng nhưng việc sử dụng kẹo cao su cũng giúp hơi thở của bạn được cải thiện ngay lập tức. Nhưng có một lưu ý nhỏ là các ấy không nên dùng loại có đường vì chúng sẽ tạo ra các mảng bám đấy!

Nguồn nhakhoaphuong.com

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Elmich | Sức Khỏe Răng Xinh | Sức Khỏe Răng Xinh | Sức Khỏe Răng Xinh