Chào bác sĩ,
Vài ngày trước, do không cẩn thận khi xỉa răng nên em đã chọc tăm vào lợi gây chảy máu. Vết thương này không sâu và ngay sau đó em đã súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn. Tuy nhiên không hiểu sao mà phần lợi bị tổn thương cứ sưng to lên, kéo theo vùng xung quanh cũng tấy đỏ rất đau. Ngoài ra, em hay có cảm giác nhạt miệng, răng lung lay và hơi thở thì có mùi hôi khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách giải quyết ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (munmu...@yahoo.com).
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc bệnh viêm nướu răng.
Nướu răng là những lớp mô liên kết và niêm mạc bao phủ xương hàm, cổ răng. Khi bao xung quanh cổ răng, nướu răng giúp hình thành túi răng. Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu sắc hồng thắm, che phủ vừa đủ khe hở giữa hai kẽ răng, túi răng cũng có độ sâu vừa phải (2 - 3mm).
Trong tất cả những bệnh răng miệng thường gặp, viêm nướu răng được xem là nguy hiểm nhất. Đây là tình trạng sưng tấy, đau hoặc viêm nhiễm nướu răng. Có 2 hình thức chính của bệnh viêm nướu là viêm nướu và bệnh nha chu.
Nguyên nhân gây bệnh nướu răng chính là mảng bám răng (plaque), vi trùng và phản ứng gây viêm của cơ thể.
Hằng ngày nước bọt cuốn trôi đi khoảng 100 tỉ tế bào của hơn 300 loại vi trùng có sẵn trong khoang miệng. Thế nhưng, nếu trong miệng xuất hiện mảng bám, những quần thể vi trùng bắt đầu hình thành. Chúng có thể thâm nhập vào dòng máu của cơ thể thông qua những mạch máu bị tổn thương, làm lượng độc tố trong máu tăng lên một cách đáng kể. Hậu quả là những người bị bệnh nướu răng thường có nguy cơ nhiễm các bệnh khác cao hơn người bình thường từ 3-7 lần.
Nếu bệnh viêm nướu không được điều trị nghiêm túc thì nó có thể trở thành bệnh nha chu. Bệnh sẽ tiến triển một cách âm thầm hoặc thành từng đợt bùng phát. Hậu quả là làm cho nướu bị áp-xe và có mủ chung quanh chân răng. Qua nhiều năm, xương nâng đỡ răng có thể bị mất.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán cũng như chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời đối với tình trạng của mình.
Ngoài ra, em cần chú ý đến việc làm sạch răng thường xuyên bằng cách lấy mảng bám trong kẽ với chỉ nha khoa và chải rửa bề mặt răng một cách có hiệu quả với loại kem đánh răng thích hợp.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
Đăng nhận xét